Ứng Xử Nhân Sự: “Lúng Túng Lần Đầu Là Lỗi của Covid-19, Lúng Túng Lần Hai Là Lỗi Của Quản Lý Cấp Cao”

Ứng Xử Nhân Sự: “Lúng Túng Lần Đầu Là Lỗi của Covid-19, Lúng Túng Lần Hai Là Lỗi Của Quản Lý Cấp Cao”

03/09/2020

Cũng giống như việc mỗi người cần tăng cường sức đề kháng trước khi có vaccine, việc các nhà quản lý cần làm là trang bị "kháng thể" mạnh mẽ để doanh nghiệp của mình vững vàng lướt qua những "con sóng dữ".

Ứng Xử Nhân Sự: “Lúng Túng Lần Đầu Là Lỗi của Covid-19, Lúng Túng Lần Hai Là Lỗi Của Quản Lý Cấp Cao”

Responsive HR strategy

Covid-19 trở lại lần thứ 2 dự báo doanh nghiệp sẽ đối mặt với đợt khủng hoảng nhân sự tiếp theo. Tuy nhiên, nhờ đợt “tập huấn” trong xử lý khủng hoảng giữa làn sóng Covid-19 trước, nhân sự có quyền kỳ vọng lớn hơn về tốc độ, sự linh hoạt, chuyên nghiệp và bớt lúng túng trong việc ứng phó từ giới quản lý cấp cao của doanh nghiệp.

Chưa kịp thích ứng với những tín hiệu phục hồi yếu ớt của thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam lại đứng trước nguy cơ suy thoái lần nữa do đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai. Tổng cục Thống kê đánh giá, sản xuất công nghiệp trong nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng gián đoạn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 3,8% so với tháng trước. Đáng chú ý, chỉ trong một tháng, cả nước có 3.372 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Khi làn sóng Covid-19 tiếp tục đe dọa Việt Nam, nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự lần thứ hai là rất lớn.

Giải pháp tồn tại mà hầu hết doanh nghiệp hướng đến là quản trị tốt doanh nghiệp, tối ưu hóa chi phí hoạt động… để bảo vệ người lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng văn hóa và môi trường lao động linh hoạt, “feedforward” thay vì “feedback” – không dừng lại ở đánh giá, phản hồi nhân sự dựa trên những sự kiện đã diễn ra mà chỉ tập trung đưa ra giải pháp trong tương lai, nhằm phản ứng tốt nhất trước những thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh và đối phó với khủng hoảng.

“Vượt lên trên những lúng túng không cần thiết từ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng nhân sự lần đầu, giữ lại sự bình ổn nhất định trong doanh nghiệp và xây dựng đời sống công sở ‘bình thường mới’ là mục tiêu tối thượng của bất kỳ công ty nào”, bà Tiêu Yến Trinh – Tổng giám đốc Talentnet cho biết. “Các công ty phải luôn tự đặt cho mình câu hỏi rằng đã sẵn sàng nếu phải bất ngờ bật chế độ làm việc tại nhà ngay ngày mai”, bà chia sẻ.

Để khảo sát mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc đối phó với làn sóng Covid-19 lần 2, theo bà Trinh, doanh nghiệp có thể kiểm tra 4 khâu chuẩn bị dưới đây:

Sẵn sàng hệ thống đánh giá, quản lý nhân sự trước tình hình dịch

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị đang ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây; đồng thời, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương cũng trên đà đi xuống. Dù muốn dù không, nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí, khi đầu ra ngày càng khó khăn.

Talentnet dự báo, một đợt cắt giảm nhân sự nữa sẽ diễn ra nếu dịch bệnh kéo dài. Trong trường hợp đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp cần có hệ thống đánh giá, quản lý nhân sự trong khủng hoảng để biết rõ nhân viên nào nên được giữ lại. Hệ thống này cũng hỗ trợ các đơn vị trong việc tăng giảm biên chế linh hoạt, kết nối với nhân sự cũng như tổ chức các khóa đào tạo cần thiết. Điển hình như các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp từ EVFTA sắp tới như sản xuất, dệt may, tài chính – bảo hiểm…sẽ cần phải chú trọng nâng cao tay nghề, chất lượng nhân viên càng nhanh càng tốt để theo kịp với đòi hỏi của thị trường EU với những tiêu chuẩn khắt khe. Trong trường hợp này, tối ưu hóa nguồn nhân lực sẽ không còn dừng lại ở việc cắt giảm ngân sách HR nữa.

Ứng xử nhân sự: “Lúng túng lần đầu là lỗi của Covid-19, lúng túng lần hai là lỗi của quản lý cấp cao” - Ảnh 1.

 

Phát huy tốt các kỹ năng của nhân viên

Sự thay đổi đột ngột môi trường làm việc do Covid-19 đã khiến không ít nhân sự lúng túng, nhưng cũng đã tạo cơ hội để họ rèn luyện nhiều kỹ năng mới. Sau quãng thời gian áp lực của Covid-19 lần thứ nhất, nhân sự đã bộc lộ những thế mạnh nào và hạn chế ra sao là những điều mà quản lý cấp cao cần lưu ý đến, từ đó đưa ra những kế hoạch làm việc phù hợp, cũng như những lời khuyên, lời hướng dẫn thích đáng cho đội ngũ nhân viên của mình.

Các quản lý cũng nên chấp nhận việc nhân viên sẽ có những sai sót và sao lãng nhất định khi phải làm việc tại nhà, từ xa. Thông cảm hơn với nhân viên và chú trọng việc đưa ra giải pháp khi xảy ra trục trặc sẽ giúp nhân viên phát huy tốt hơn những kỹ năng họ đã rèn giũa được từ làn sóng Covid-19 lần thứ nhất.

Cốt lõi là trong bối cảnh thị trường chao đảo, 3 kỹ năng quan trọng mà nhân sự cần nắm chắc và phát huy tốt là sự nhạy bén với cơ hội, sự linh hoạt trong giải pháp và khả năng vượt khó. Đảm bảo các kỹ năng này, chính các nhân viên sẽ trở thành tấm khiên vững chắc nhất giúp doanh nghiệp vượt qua “giông bão”.

Chăm sóc tinh thần và cuộc sống nhân sự chu đáo

Trong giai đoạn Covid-19 lần thứ nhất, không ít nhân sự đã thoái chí, nản lòng khi phải chia ca làm việc, rời xa văn phòng, hay thậm chí là nghỉ không lương. Các thông tin liên tục về dịch bệnh và “sự im lặng của doanh nghiệp” có thể khiến nhân viên hoang mang và không ngừng tự hỏi, ngày mai sẽ ra sao. Rút kinh nghiệm từ đó, khi ứng phó với dịch bệnh lần thứ hai ập đến, công ty cần cập nhật liên tục các thông tin, nhanh chóng đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động như kiểm tra thân nhiệt, thường xuyên khử trùng văn phòng, yêu cầu mọi người mang khẩu trang… Đặc biệt, các hoạt động mang tính cá nhân hóa để chăm sóc tinh thần và cuộc sống nhân sự được khuyến khích. Mục đích là không để cho nhân viên phải vượt qua sự bất ổn với tâm thế “một mình”.

Một nghiên cứu mới đây của Deloitte cho thấy 96% nhân sự cho rằng an sinh của nhân viên là “trách nhiệm của tổ chức”, bởi nhân viên hạnh phúc và khoẻ mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Gần 2/3 số người tham gia khảo sát cho rằng được tham gia vào việc thiết đặt mục tiêu và lên ý tưởng giúp họ gắn kết với các mục tiêu của doanh nghiệp, thúc đẩy họ nhiệt tình cống hiến cho công ty.

Ứng xử nhân sự: “Lúng túng lần đầu là lỗi của Covid-19, lúng túng lần hai là lỗi của quản lý cấp cao” - Ảnh 2.

 

Tầm nhìn dài hạn về việc “sống chung với lũ”

Khi phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới, không ai nghĩ rằng dịch bệnh này sẽ trở thành nỗi ám ảnh trên toàn cầu. Ngay cả khi đã bùng phát thành đại dịch, nhiều người vẫn tin rằng, nó sẽ nhanh chóng qua đi.

Do đó, trong đợt bùng phát dịch bệnh ở Việt Nam lần đầu, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp co cụm, cầm cự để chờ qua cơn khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chọn giải pháp cho nhân viên tạm nghỉ việc không lương hoặc đề nghị cắt giảm tiền lương chờ ngày dịch qua đi. Tuy nhiên, sự trở lại lần này của Covid-19 đã thay đổi nhận thức của giới doanh nhân, khi nhận ra rằng, các giải pháp tạm thời là vô nghĩa.

Cũng giống như việc mỗi người cần tăng cường sức đề kháng trước khi có vaccine, việc các nhà quản lý cần làm là trang bị “kháng thể” mạnh mẽ để doanh nghiệp của mình vững vàng lướt qua những “con sóng dữ”. Kháng thể này không gì khác chính là sự rõ ràng trong lộ trình đối ứng với khủng hoảng, sự vững vàng trong kỹ năng “vượt lũ” của từng nhân viên và sự quyết tâm, cứng rắn trong việc chấp nhận rủi ro. Bỏ qua những nỗi lo không cần thiết, tập trung vào những phương án nhanh nhất để hồi phục sự ổn định tối thiểu cho tổ chức của mình, doanh nghiệp sẽ có thể tồn tại và phát triển trong trạng thái “bình thường mới”.

Thiên Kim

Nguồn: Cafebiz

Liên hệ

Liên hệ
Đã thêm vào giỏ hàng
CEO Chat: Aligning Tech & People for Sustainable Growth Package: Early bird Xem giỏ hàng
Không thể thêm vào giỏ hàng. Mỗi giỏ hàng chỉ áp dụng cho 01 sản phẩm.
Giỏ hàng trống. Hãy thêm sản phẩm vào giỏ hàng để tiếp tục!